1.Quản trị cấp cao: Quản trị chung tất cả các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người quản trị ở cấp này gọi là nhà quản trị cấp cao nhất (chủ tịch, tổng giám đốc, giám đốc...)
Nội dung quản trị chủ yếu ở cấp cao nhất là:
- Hoạch định các mục tiêu, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, cảm nhận những vấn đề khó khăn lớn và những nguyên nhân của chúng để tìm biện pháp giải quyết.
- Xác định kết quả cuối cùng mong muốn, phê duyệt những đường lối, các chính sách lớn trong doanh nghiệp.
- Phê duyệt cơ cấu tổ chức, các kế họach chương trình hành động lớn nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra.
- Xác định các nguồn nhân sự cần thiết và cung cấp kinh phí hoạt động theo yêu cầu công việc.
- Lựa chọn các quản trị viên chấp hành, giao trách nhiệm, ủy quyền.
- Phối hợp mọi hoạt động của ban tham mưu và chức năng điều hành.
- Phê duyệt chương trình kế họach nhân sự bao gồm: tuyển dụng, mức lương, thăng cấp, đề bạt, kỷ luật.
- Dự liệu các biện pháp kiểm soát như báo cáo, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của tổ chức . Chịu trách nhiệm hoàn toàn về những ảnh hưởng tốt xấu của các quyết định.
2. Cấp quản trị trung gian(giữa): Là một khái niệm rộng dùng để chỉ những cấp chỉ huy trung gian, đứng trên những nhà quản trị cấp cơ sở và dưới các nhà quản trị cấp cao. Với cương vị này, họ vừa quản trị các nhà quản trị cấp cơ sở thuộc quyền vừa đồng thời điều khiển các nhân viên khác. Ở cấp giữa có thể có nhiều cấp, điều này phụ thuộc vào loại hình tổ chức của doanh nghiệp, người làm quản trị ở cấp này là các trưởng, phó phòng; ban; các quản đốc, phó quản đốc các phân xưởng...
Nội dung quản trị:
- Tổ chức quản trị các hoạt động chức năng, nghiệp vụ trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn được phân công nhằm thực hiện các chiến lược của doanh nghiệp.
- Nắm vững những mục tiêu của doanh nghiệp, mối quan hệ giữa các bộ phận, cảm nhận những khó khăn chính của bộ phận và những nguyên nhân trong phạm vi hoạt động của mình.
- Nắm vững trách nhiệm và phạm vi quyền hạn được giao, xác định các hoạt động cần thiết phải thực hiện để đạt được kết quả, đề nghị những vấn đề liên quan đến bộ phận để hoàn thành nhiệm vụ.
- Đề nghị những chương trình kế hoạch hành động của bộ phận và mô hình tổ chức thích hợp nhất để thực hiện công việc.
- Lựa chọn nhân viên, giao công việc theo chức năng cho các thành viên, xây dựng tinh thần đồng đội và lòng trung thành, phê chuẩn các thủ tục làm việc trong phạm vi bộ phận trên cơ sở đường lối chung của doanh nghiệp.
- Thường xuyên xét lại tính hiệu quả trong công tác của bộ phạn để kịp thời uốn nắn những sai sót. - Báo cáo kết quả đạt được của bộ phận lên cấp trên theo đúng sự ủy quyền.
3. Cấp quản trị cơ sở : Là những nhà quản trị ở cấp bậc cuối cùng trong hệ thống cấp bậc của quản trị trong cùng tổ chức. Người quản trị cấp này là đốc công, nhóm trưởng, tổ chức trưởng, là những người không còn cấp quản trị nào bên dưới.
Nội dung quản trị: Quản trị quá trình làm việc, các hoạt động cụ thể hàng ngày của công nhân, nhân viên trong tổ, nhóm. Với tư cách là nhà quản trị nhiệm vụ, họ là những người hướng dẫn, đốc thúc, điều khiển công nhân trong các công việc hàng ngày để đưa đến sự hoàn thành mục tiêu chung trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà quản trị cấp cơ sở cũng thường là người trực tiếp tham gia các công viêc sản xuất kinh doanh cụ thể như các nhân viên khác dưới quyền họ.
Quản trị theo chức năng trong doanh nghiệp: chức năng thường là nhóm các hoạt động có tính chất tương tự nhau, liên quan đến nhau trong một bộ phận nhất định trong một tổ chức. Các chức năng chủ yếu trong quản trị kinh doanh gồm có:
- Chức năng quản trị cung ứng.
- Chức năng quản trị nhân sự.
- Chức năng quản trị tài chính - kế toán.
- Chức năng quản trị tác nghiệp.
- Chức năng quản trị Marketing...
Người quản trị chức năng là người quản trị trực tiếp các hoạt động cụ thể của từng chức năng trong một tổ chức. Họ có thể là những người quản trị các phòng hay các bộ phận chức năng. Đó cũng chính là những người làm các công việc mang tính chuyên môn hóa
Nguồn: https://voer.edu.vn/m/phan-cap-trong-quan-tri/61a5bcef